THỰC HÀNH THƠ CỦA TÔI (2) — THƠ CA VÀ BIỂN CẢ

 

Thời gian mà một nhà thơ còn cất lời đó là khi hắn còn kẹt trong thế lưỡng nan của vướng víu và từ bỏ. Và bởi vì hắn không muốn vướng víu vào sự từ bỏ, nên hắn chấp nhận thế lưỡng nan này: nương nhờ vào chữ để đến chốn không lời. 


Như sau mỗi nhịp xuống lên của con sóng, nó kéo ta ra khơi, rồi khi ta tắt thở, nó lại đem xác ta trả lại bờ, sự hấp dẫn của tạo tác và phá hủy cũng dập dồi, quăng quật để gột rửa ta giữa lòng đại dương mênh mông này. Biển cả không chấp nhận xác chết, thứ nó đánh ngược vào bờ là thứ sau cùng (hoặc trước tiên) ta cần vứt bỏ, bởi ta cũng không dung chứa sự chết trong chính bản thể mình. Thứ ở lại với đại dương là đại dương, thứ ở lại với ta là ta.


Một bài thơ xuất hiện trong một khoảnh khắc lung linh độc nhất, nó hé lộ một điều gì đó ở bên kia tâm thức ù lì, nó kích hoạt những nhân tố phi thường trong ta. Và có lẽ chỉ thế thôi. Tôi không cho rằng nó là hiện thân của cái đẹp, đại diện cho cái đẹp. Nó bộc lộ khao khát hướng đến cái đẹp của nhà thơ thì có thể. Nhưng nếu nó là định nghĩa của cái đẹp, minh chứng cho cái đẹp, thì nó hẳn chẳng phải là một bài thơ, và chắc chắn không được viết bởi một người thực hành thơ. 


Cái đẹp còn chưa được tìm thấy, cái đẹp còn chưa chịu lộ diện. Mọi từ ngữ nói về sự im lặng đều phá hỏng sự im lặng. Mọi nét vẽ nhằm diễn tả cái đẹp đều khiến cái đẹp rơi xuống mức đối đãi tầm thường.


Nhưng niềm hứng thú của nhà thơ lại nằm ở ngay đó: ngay nơi cái thế lưỡng nan của cất lời và mất lời, của tạo tác và phá hủy, của những nét vẽ vẫn được miệt mài tiếp tục nhưng không phải để diễn tả cái đẹp. Đó chỉ là sự thực hành của nhà thơ, hay đó là điều một con người hoàn toàn chấp nhận khi giao phó đời mình cho biển cả?


Chúng ta tiến đến thi pháp nào đó dường như rất gần với tự nhiên. Chúng ta đắm mình trong đó, và suýt nữa chúng ta cảm thấy mình đã đắm mình vào tự nhiên. Không, đó chỉ là thi pháp. Viết một bài thơ dù tối giản đến đâu, thậm chí là haiku, viết xong, ta vẫn cảm thấy bức bối, ta vẫn còn cách bức với thực tại tự nhiên. Đó là điều tôi ý thức: bất cứ khi nào một chữ lời còn cất lên, khi đó bài thơ vẫn còn chưa hoàn tất. Nhưng nó đang yêu cầu chúng ta thực hiện, chúng ta phải tuân phục yêu cầu. Một tỉ chữ phải được viết ra, một triệu con sóng mà ta phải quẳng mình vào, chúng ta phải thực hiện nó. 


Và sự khổ hình ấy chỉ hóa thành niềm ân khải khi người thực hành thơ nhận ra được đâu là thực hành, đâu là đích đến. Hẳn chẳng phải là giáo điều: anh, nếu cảm thấy thỏa mãn với một bài thơ và cho rằng đã tìm ra cái đẹp, liệu anh có đi tiếp được nữa chăng? Anh sẽ bị đào thải ngay tắp lự. Anh đã tầm thường hóa cái đẹp khi đóng khung nó vào định nghĩa của anh. Vậy cái đẹp của anh sẽ mau chóng tàn hoại trong cái khung lồng của anh mà thôi. Và anh cũng sẽ hoại tàn mau chóng. Nhưng sự tàn hoại này lại chẳng viên mãn: sâu xa trong anh, anh biết đó chẳng phải là cái đẹp đích thực, anh vẫn khao khát nó. Anh đau khổ vì xác thân đã bị vứt lại lên bờ trong khi linh hồn chưa về được với biển lớn.


Nhưng nếu nhận rõ đâu là thực hành, đâu là đích đến, khổ hình lại hóa thành ân khải: bao nhiêu lần xác dạt vào bờ là bấy nhiêu lần linh hồn anh tìm về gần hơn với đại thể.


Tôi không muốn nói đến những luật tắc của thơ ca, tôi nói về kỷ luật của nó. Có một thứ kỷ luật khiến người thực hành thơ phải biết im lặng trước một tờ giấy trắng, trước mọi tạo hình, trước mọi ký tự. Và có một thứ kỷ luật khiến người thực hành thơ phải vứt bỏ mọi ngượng ngùng mà tuôn ra toàn bộ những gì đòi được tuôn ra. Người hành thơ đặt mình trong kỷ luật của dòng chảy: anh phải viết và để sự viết chiếm lấy anh, anh không cho phép mình níu giữ điều gì. 


Sự viết tự thân nó là một động năng sống. Tự thân nó là nó. Không phải sự viết phục vụ cho chữ nghĩa, mà ngược lại, chữ nghĩa phục vụ cho sự viết. Tôi liên tưởng đến Lý thuyết Hình thể của Plato: sự viết là hình thể, cái vượt ngoài tất cả; chữ viết là vật thể, nơi nương tựa cho việc hình dung đến cái siêu hình. Tôi thực hành thơ là tôi thực hành ngay sự viết. Tôi không viết để diễn đạt ý mình, tôi dùng viết để đập tan cái xác thân này và vứt mình vào biển lớn.


Có phải chăng chúng ta quen với việc giải thích mọi thứ và đánh đồng những giải thích của mình là trí tuệ? Khi viết trong một cơn “nhập đồng”, khi viết tự động, khi tuôn ra những tiếng lời từ cảm thức, tôi buông bỏ ý thức tạo tác, tôi ngắm nhìn những gì đã có, đang có và sẽ có. Tôi ngắm nhìn những con nước đang dâng. Tôi ngắm nhìn cái quang cảnh trong tâm trí tôi; nó bảo rằng tôi đang ngắm nhìn một dòng sông, nhưng tôi không nhầm, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một dòng sông nào cả. Tôi không thể nhìn thấy một dòng sông. 


Chỉ có sự viết khiến tôi trôi chảy. Trôi chảy cùng thế lưỡng nan của vướng víu và từ bỏ, của cái mình đã là và muốn là, của tiếng lời và im lặng.


Một buổi sáng nào đó, tôi có thể thức dậy với nỗi hốt hoảng trong hồi ức về một giấc mơ về một dòng sông xấu xí. Định thần lại, tôi nhớ rằng mình chưa từng nhìn thấy một dòng sông. Và biển cả chẳng có cái xác nào để quăng bỏ.




Solace of Winter, tranh của Brit J Oie

Nhận xét

Bài đăng phổ biến